Theo đó, Nhật Bản đang đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần pin sạc toàn cầu vào năm 2030. Để làm được điều này, cần phải tăng năng lực sản xuất của các công ty Nhật Bản và các công ty của họ trên toàn thế giới lên gần 10 lần, lên đến 600GWh/ mỗi năm, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản vừa cho biết.
“Chúng tôi sẽ tăng cường hỗ trợ để giúp ngành công nghiệp pin Nhật Bản phục hồi thị phần toàn cầu, thị phần mà ngành đã mất trong vài năm qua trong cuộc chiến với các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc”, Nobutaka Takeo, Giám đốc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nói với các phóng viên.
“Các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc đang tích cực đầu tư vào pin và tăng trưởng với tốc độ đáng báo động, đồng thời Nhật Bản cũng cần tiến thêm một bước và hỗ trợ vững chắc”, Nobutaka Takeo cho biết thêm.
Được biết, thị phần pin lithium-ion toàn cầu được sử dụng trong xe điện (EV) của Nhật Bản giảm xuống còn 21% vào năm 2020 từ mức 40% vào năm 2015, và thị phần pin được sử dụng trong các hệ thống lưu trữ năng lượng giảm xuống còn 5% vào năm 2020 từ mức 27% vào năm 2016. Tuy nhiên, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản không đưa ra con số chi tiết về thị phần tổng thể hiện tại của Nhật Bản về pin sạc.
Đối với mục tiêu năm 2030 được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trình bày tại một hội đồng chuyên gia để thảo luận về chiến lược pin của Nhật Bản, nước này đặt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất trong nước của pin sử dụng trong xe điện, và hệ thống lưu trữ năng lượng lên 150 GWh/ mỗi năm vào năm 2030 từ mức khoảng 20 GWh/ mỗi năm hiện nay.
Thậm chí, Nhật Bản cũng đang đặt mục tiêu chiếm 20% thị phần pin sạc toàn cầu vào năm 2030, bằng cách tăng công suất sản lượng toàn cầu của các công ty Nhật Bản ở nước ngoài lên gần 10 lần lên 600 gigawatt giờ (GWh) / mỗi năm, và sẽ hướng tới mục tiêu thương mại hóa toàn cầu pin thể rắn vào năm 2030. Người ta ước tính rằng, 600GWh/ mỗi năm tương đương với công suất sản xuất cần cho 8 triệu xe điện. Theo kế hoạch của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các nhà sản xuất pin Nhật Bản cần tăng công suất sản xuất lên khoảng gần 10 lần trong vòng 8 năm tới.
Vốn dĩ, pin là yếu tố quan trọng đối với Nhật Bản để đạt được tính trung hòa carbon vào năm 2050, vì đây là công nghệ quan trọng nhất trong quá trình điện khí hóa ô tô và các thiết bị di động khác.
Ngoài ra, pin có thể sạc lại là điều cần thiết để điều chỉnh cung cầu điện, và giúp đất nước tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết. Bộ cũng có kế hoạch thiết lập chiến lược hành động cuối cùng cho lĩnh vực này vào giữa năm nay, bao gồm các biện pháp cụ thể với sự hỗ trợ của chính phủ.
Công ty pin Nhật Bản xây dựng nhà máy ở Kentucky
Thống đốc bang Kentucky, Mỹ cho biết, một công ty công nghệ pin của Nhật Bản tên là Envision AESC sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 2 tỷ đô la ở Kentucky, tạo ra 2.000 việc làm. Beshear cho biết hôm 12/4 rằng, nhà máy của Envision AESC tại Bowling Green sẽ sản xuất pin và mô-đun để cung cấp năng lượng cho thế hệ xe điện tiếp theo. Nhà máy khổng lồ 30 GWh/năm này sẽ tạo ra ước tính khoảng 2.000 việc làm mới và cung cấp pin cho nhà máy xe điện Alabama EV mới của Mercedes-Benz, cũng như các nhà sản xuất khác theo kế hoạch của công ty này. Nhà máy của Envision AESC tại Bowling Green cũng hy vọng sẽ sản xuất đủ pin để cung cấp 300.000 xe mỗi năm vào năm 2027.
Nissan của Nhật Bản có kế hoạch ‘thay đổi cuộc chơi’ pin ô tô điện
Vào ngày 8/4, nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản Nissan cho biết rằng, họ đang làm việc với NASA về một loại pin mới dành cho xe điện, hứa hẹn sạc nhanh hơn, nhẹ hơn nhưng vẫn an toàn. Theo Nissan, loại pin thể rắn sẽ thay thế pin lithium-ion hiện đang được sử dụng, để giới thiệu sản phẩm mới vào năm 2028 và nhà máy thử nghiệm vào năm 2024.
Pin thể rắn mới này hoàn toàn đủ ổn định, nó sẽ có kích thước chỉ bằng một nửa so với pin hiện tại và sạc đầy trong 15 phút, thay vì vài giờ. Phó chủ tịch tập đoàn Kazuhiro Doi nói với các phóng viên rằng, sự hợp tác với chương trình không gian của Hoa Kỳ, cũng như Đại học California San Diego liên quan đến việc thử nghiệm các vật liệu khác nhau. Ông nói: “Cả NASA và Nissan đều cần cùng một loại pin tương tự như vậy”.
Ông Doi còn cho biết, Nissan và NASA đang sử dụng cái được gọi là “nền tảng tin học vật liệu gốc”, một cơ sở dữ liệu máy tính, để thử nghiệm các kết hợp khác nhau để xem cái nào hoạt động tốt nhất trong số hàng trăm nghìn vật liệu chế tạo pin thể rắn. Mục đích là để tránh sử dụng các vật liệu đắt tiền như kim loại hiếm.
Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô khác, bao gồm đối thủ Toyota Motor Corp của Nhật Bản, cũng như Volkswagen của Đức và các nhà sản xuất ô tô Mỹ Ford Motor Co. và General Motors Co cũng đang nghiên cứu về pin thể rắn hoàn toàn. Mới đây, General Motors và nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda Motor Co cho biết, họ cũng đang làm việc cùng nhau về xe điện thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch điều hành Nissan Kunio Nakaguro cho biết, Nissan đang rất cạnh tranh, và loại pin mà hãng đang phát triển hứa hẹn sẽ trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi”.
Ô tô – Xe máy | Tổng hợp tin tức Ô tô Xe máy mới nhất