Ford Motor Co sẽ ngừng sản xuất ôtô tại Ấn Độ vì không tìm thấy con đường sinh lợi
Có thể nói, Ford là hãng xe mới nhất rời khỏi một trong những thị trường lớn nhất ở châu Á, vì 10 năm qua thương hiệu Mỹ này không thu được lợi nhuận nào ở Ấn Độ. Có mặt tại quốc gia Nam Á từ cách đây 25 năm, nhưng đến nay, thị phần của Ford chưa đến 2%.
Hãng đã nỗ lực suốt nhiều năm qua nhằm chinh phục khách hàng Ấn Độ và mong muốn có lãi, nhưng tất cả mọi cố gắng đều thất bại. Thế nên, trong một thông báo đưa ra hôm 9/9, Ford đã chịu khoản lỗ tới 2 tỷ USD trong 10 năm qua, và một thực tế cho thấy, nhu cầu đối với các sản phẩm mới của hãng tại quốc gia này là rất thấp.
Thế nên, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ford, Jim Farley (người nhậm chức vào ngày 1/10 năm ngoái) cho biết, hãng xe Mỹ lên kế hoạch ngừng sản xuất ôtô tại Ấn Độ. Đây là một phần trong kế hoạch của Ford nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và phân bổ đầu tư phát triển trong dài hạn hiệu quả hơn, trang New York Times đưa tin.
Kế hoạch cụ thể mà Ford đưa ra là gì?
Ford hiện có hai nhà máy sản xuất xe và động cơ tại Ấn Độ đặt ở Chennei và Sanand, sử dụng hàng nghìn công nhân. Ford cho biết dây chuyền lắp ráp xe tại Sanand sẽ dừng hoạt động vào cuối năm nay, tiếp đó là dây chuyền ở Chennei sẽ dừng hoạt động từ quý 2/2022. Và sẽ có khoảng 4.000 người sẽ mất việc do kế hoạch trên, Ford cho hay.
Những dòng xe được sản xuất tại Ấn Độ như: Figo, Aspire, Freestyle, EcoSport, và Endeavour sẽ ngừng cung cấp một khi hàng tồn đọng được bán hết. Tuy nhiên, dù dừng sản xuất xe ở Ấn Độ, nhưng Ford vẫn duy trì dấu ấn sản xuất ở nước này. Cụ thể, Ford sẽ duy trì hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất động cơ Sanand, nơi sản xuất động cơ cho chiếc Ranger để xuất khẩu.
Nhà sản xuất vẫn sẽ cung cấp cho khách hàng các hoạt động hỗ trợ một cách đầy đủ cho những chiếc xe được sản xuất trong nước bao gồm dịch vụ, phụ tùng hậu mãi và bảo hành. Hãng cũng sẽ bắt đầu nhập khẩu những chiếc xe như Mustang coupe và tiết lộ việc những chiếc hybrid, xe điện mà Ford dự định sản xuất trong năm tới cũng sẽ đến tay khách hàng Ấn Độ.
Bên cạnh đó, Ford giữ nguyên kế hoạch đầu tư vào nhóm Giải pháp Kinh doanh hiện có hơn 11.000 nhân viên ở Ấn Độ. Bộ phận này sẽ được mở rộng hoạt động với các lao động liên quan đến phát triển phần mềm, khoa học dữ liệu, kỹ sư nghiên cứu và chuyên gia tài chính, kế toán.
“Ford có một lịch sử lâu đời và đáng tự hào ở Ấn Độ. Chúng tôi cam kết chăm sóc khách hàng và phối hợp chặt chẽ với nhân viên, công đoàn, đại lý và nhà cung cấp để chăm sóc những người bị ảnh hưởng bởi việc tái cơ cấu này” – Anurag Mehrotra, Chủ tịch Ford Ấn Độ cho biết.
Củng cố lợi nhuận và chuẩn bị cho Ford một vị thế tốt hơn trong kỷ nguyên ô tô điện và xe tự lái
Jim Farley – chủ tịch và CEO của Ford chia sẻ: “Là một phần của kế hoạch Ford+, chúng tôi đang phải thực hiện những biện pháp khó khăn, nhưng cần thiết để phục hồi hoạt động kinh doanh có lợi nhuận bền vững trong thời gian dài, và phân bổ vốn để phát triển, tạo ra những giá trị trong các lĩnh vực phù hợp.
Còn tờ Reuters dẫn lời người đứng đầu Ford Ấn Độ Anurag Mehrotra cho biết trong tuyên bố: “Bất chấp những nỗ lực, chúng tôi đã không thể tìm ra một con đường bền vững để đạt được lợi nhuận lâu dài”. Quyết định cắt lỗ của Ford tại Ấn Độ được đưa ra sau khi họ đã đóng cửa các nhà máy tại Brazil vào đầu năm nay.
Theo kế hoạch Ford+, hãng đạt mục tiêu đạt tỷ suất lợi nhuận điều chỉnh trước thuế ở mức 8% vào năm 2023. Bên cạnh đó, hãng cũng đầu tư mạnh vào phát triển ô tô điện và ô tô tự lái.
Quyết định dừng sản xuất ô tô tại Ấn Độ của Ford được đưa ra 4 năm sau động thái tương tự của đối thủ đồng hương General Motors (GM). Thực tế, các hãng xe Mỹ khó cạnh tranh ở Ấn Độ do các hãng xe châu Á mới là những nhà sản xuất được ưa chuộng tại quốc gia tỷ dân này.
Ford, General Motors (GM), Renault và Stellantis đang dần rút khỏi những liên doanh đốt tiền, chuyển nguồn vốn sang điện hóa
Không chỉ Ford, hiện nhiều hãng xe khác cũng đang phải tranh đấu để duy trì sự hiện diện tại các thị trường lớn. Các hãng như Ford, General Motors (GM), Renault và Stellantis đang dần rút khỏi những liên doanh đốt tiền, và chuyển nguồn vốn sang điện hóa và đầu tư vào công nghệ mà họ cần để sống sót. Trước Ford, GM và Harley-Davidson cũng đã rời khỏi Ấn Độ.
Quốc gia Nam Á từng được đánh giá trở thành thị trường ôtô lớn thứ ba thế giới vào 2020, sau Trung Quốc và Mỹ, với doanh số hàng năm khoảng 5 triệu xe. Nhưng số xe thực tế bán được trong năm qua chỉ khoảng 3 triệu xe, sau cả châu Âu và Nhật Bản. Thị trường ôtô ở Ấn Độ vốn bị thống trị bởi dòng xe cỡ nhỏ, giá rẻ, chủ yếu là sản phẩm của Suzuki. Thương hiệu Maruti Suzuki chiếm 7 phần trong Top 10 xe bán chạy, và ba phần còn lại thuộc về Hyundai.
Trong thông báo riêng, Hiệp hội các đại lý ôtô Ấn Độ (FADA) cho biết, họ vô cùng ngạc nhiên vì động thái này của Ford.
Ô tô – Xe máy | Tổng hợp tin tức Ô tô Xe máy mới nhất