Với thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2020 đưa chương trình ưu đãi đối với cả ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Trong đó, với ngành ô tô, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, phụ tùng mà trong nước chưa sản xuất được sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Ngoài ra, các ngành công nghiệp phụ trợ để cho sản xuất, lắp ráp ô tô cũng được miễn thuế nhiều.
Từ năm 2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2023 NĐ-CP thay thế Nghị định 57, nhưng nghị định đó cũng đã tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó có ô tô điện, ô tô thân thiện môi trường.
Đồng thời, chính sách được kéo dài cho đến hết năm 2027. Từ sau năm 2027, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đánh giá xem chính sách còn phù hợp hay cần thay đổi để trình Chính phủ ban hành các chính sách mới cho phù hợp.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và Quốc hội ban hành Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện thấp hơn rất nhiều, quanh khoảng 1-3%, từ 1/3/2022 đến 1/3/2027; sau đó tăng lên 4-7%. Trong khi đó, đối với dòng xe chạy nguyên liệu hóa thạch, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng 35 % – 150 %, tương đương đối với cả các mức mà cùng chủng loại.
Đối với thuế, lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ và ban hành Nghị định số 15/2022, trong đó ưu đãi với mức lệ phí trước bạ ở mức cao đối với xe điện như miễn thuế lệ phí trước bạ 3 năm đầu với xe điện, 2 năm tiếp theo giảm 50 % cho xe điện. Trong khi đó, mức lệ phí trước bạ này đối với các xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là 10%-12 %.
“Chính sách của nhà nước cũng như Bộ Tài chính hiện khuyến khích sản xuất, lắp ráp trong nước, một mặt tạo công ăn việc làm cho người lao động, một mặt phải đảm bảo cho những nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam phát triển. Trên góc độ đó, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội ban hành nhiều chính sách”, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết tại Hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi – Một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức.
“Có ý kiến cho rằng chính sách ở Thái Lan hiện nay có vẻ ưu đãi hơn, như việc mức thuế ở Việt Nam hiện nay đối với xe ô tô điện nhập khẩu nguyên chiếc là đang là 70%, trong khi ở Thái Lan đang là 60%. Tuy nhiên, đối với xe nhập khẩu chúng ta cần phải có chính sách là để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, từ đó giúp có các phát triển bền vững và có các xe mang thương hiệu Việt Nam, giữ chân những nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam từ lâu”, bà Ngọc nói.
Bên cạnh các chính sách cho xe điện, theo bà Ngọc, xe lai cũng được ưu đãi, ở mức cao dù không bằng xe điện. Luật hiện quy định áp dụng mức thuế bằng 70% dòng xe chạy nguyên liệu hóa thạch cùng chủng loại. Đối với xe ô tô mà chạy bằng năng lượng sinh học, áp dụng thuế chỉ bằng 50 % mức thuế suất của xe ô tô cùng chủng loại nhưng chạy bằng xăng.
“Tôi nghĩ rằng các chính sách này cũng đã ban hành đầy đủ. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp, các nhà sản xuất ô tô ở cả hai loại gồm cả xe ô tô điện và các xe ô tô lai”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông VAMA cho rằng, cần thiết có thêm ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe thân thiện với môi trường:
“Chúng tôi đề nghị cân nhắc sửa đổi ưu đãi với dòng xe thân thiện môi trường bao gồm HEV (Xe Hybrid tự sạc) và PHEV (Xe Hybrid có hệ thống sạc điện riêng). Đồng thời, giữ mức thuế hiện tại đối với xe pickup chở hàng cabin kép nhằm duy trì và tạo nguồn lực trong quá trình chuyển đổi. Hiện nay, VAMA và Công ty Kiểm toán KPMG đang triển khai nghiên cứu đánh giá đầy đủ tác động về việc này”, ông Quyết nói.