Nhiều yếu tố định hình bức tranh thị trường xe điện
Trạm sạc vẫn là yếu tố mấu chốt làm chậm lại bước tiến của các thương hiệu xe thuần điện nước ngoài. Từ phân khúc xe sang đến xe phổ thông, từ các thương hiệu châu Âu đến những “gã khổng lồ” châu Á đều gặp phải trở ngại này và gần như là một bài toán chưa tìm được lời giải.
“Đối với xe hạng sang, khách hàng có thể dễ dàng sạc tại nhà hoặc đại lý, nhưng với xe phổ thông, nhiều người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc tìm trạm sạc công cộng hoặc chỉ sử dụng xe trong phạm vi nội thị. Dù các hãng xe đang tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xong chi phí đầu tư quá cao và thời gian thu hồi vốn lại tỷ lệ nghịch với số lượng xe bán ra, khiến cho việc xây dựng một hệ thống trạm sạc đồng bộ trở thành một thách thức lớn và khó giải quyết trong ngắn hạn”, chuyên gia xe Quang Anh phân tích.
Bên cạnh đó, xe điện hạng sang còn bị hạn chế do mức giá cao. Hầu hết các mẫu xe đều có giá khởi điểm xấp xỉ 2 tỷ đồng, đắt hơn khoảng 25% so với mẫu VinFast VF9. Một phần lý do là thuế suất nhập khẩu từ châu Âu cao, và mặc dù có công nghệ hiện đại, nhưng phạm vi di chuyển trung bình chỉ khoảng 300-350 km trong điều kiện hỗn hợp, đòi hỏi người dùng phải tính toán rất kỹ lưỡng lộ trình.
Ông Quang Anh nhấn mạnh: Nếu không có trạm sạc, việc hủy bỏ chuyến đi là điều có thể xảy ra. Cá nhân tôi đã không thể trải nghiệm Volvo EC40 từ Saigon đi Măng Đen bởi không có trạm sạc bên thứ 3 tại trục QL14 và nếu dùng sạc 2.2kW theo xe thì có thể phải mất tới 3 ngày để di chuyển quãng đường 622km.
Ngược lại, các mẫu xe Trung Quốc tuy có mức giá rẻ hơn, nhưng phải đối mặt với nghi vấn về chất lượng và cam kết đầu tư lâu dài. Các thương hiệu như BYD và Wuling vẫn chưa đủ sức thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào sản phẩm của họ trong một lĩnh vực công nghệ mới.
Trong khi đó, Hyundai Ioniq 5, mặc dù có giá cao hơn xe Trung Quốc, lại ghi nhận sự tăng trưởng ổn định nhờ vào chất lượng sản phẩm và khả năng sạc linh hoạt tại nhà, giúp thương hiệu này thu hút được người tiêu dùng có yêu cầu cao về cả thương hiệu và chất lượng.
VinFast đã vươn mình ra sao?
Theo báo cáo từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) năm 2024 các thành viên của VAMA đã bán được hơn 340.000 xe. Còn các hãng xe khác ngoài VAMA như Hyundai bán được 67.000 xe, trong đó có khoảng 10.000 xe thương mại. Riêng hãng xe điện thuần Việt VinFast vươn lên dẫn đầu thị trường với 87.000 xe (tăng khoảng 150% so với năm 2023), vượt xa hãng Toyota với 68.000 xe.
Giành được “ngôi vương” trên thị trường xe Việt, theo ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn VinGoup, là niềm tự hào của gần 140.000 người VinGroup, đồng thời cũng là niềm tự hào của gần trăm triệu người dân Việt Nam sau nhiều thập kỷ mong đợi và kỳ vọng.
Một hãng xe nội địa, thương hiệu non trẻ đã vượt xa mọi đối thủ lâu năm trong ngành, chiếm lĩnh thị phần lớn nhất Việt Nam. Điều này cho thấy thực lực mạnh mẽ của công nghiệp ô tô Việt Nam, khẳng định người Việt Nam đã thực sự làm chủ chuỗi công nghiệp ô tô từ khâu nghiên cứu sản phẩm đến sản xuất thành phẩm hoàn thiện ra thị trường.
Trong khi ông Nguyễn Việt Quang – Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: “VinFast đã chính thức trở thành hãng xe chiếm thị phần số 1 tại thị trường Việt Nam, với số lượng đơn đặt hàng không ngừng tăng và sự tin tưởng, ủng hộ của khách hàng ngày càng lớn.
Nhu cầu tại các thị trường quốc tế cũng đang tăng trưởng nhanh chóng, do đó việc xây dựng thêm nhà máy sản xuất ô tô điện tại Hà Tĩnh sẽ tạo ra nền tảng vững chắc cho một giai đoạn phát triển quan trọng và bùng nổ sắp tới của VinFast”.
Thành công của VinFast không chỉ đến từ sản phẩm mà còn nhờ vào các chính sách bán hàng độc đáo và chiến lược linh hoạt. Hãng đã xây dựng mạng lưới trạm sạc lớn nhất Việt Nam, từ miền núi đến đồng bằng, tạo ra lợi thế lớn trong việc cung cấp sự tiện lợi tối đa cho người tiêu dùng. Hơn nữa, chiến lược “nội bộ hóa” khách hàng qua các công ty con của Vingroup, như XanhSM và FGF, cũng giúp VinFast tạo ra lợi thế độc đáo mà các đối thủ không dễ dàng bắt kịp.
Trong những năm tới, thị trường xe điện Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn mà các nhà sản xuất xe điện phải đối mặt là việc phát triển mạng lưới trạm sạc – một rào cản không dễ vượt qua trong ngắn hạn. Hạ tầng sạc sẽ là yếu tố quyết định cho sự thành công của các hãng xe điện trong thời gian tới.
Trong khi các đối thủ vẫn loay hoay giải quyết bài toán hạ tầng, VinFast sẽ tận dụng khoảng trống này để chiếm lĩnh thị trường. Hãng sẽ tiếp tục mở rộng danh mục sản phẩm, bổ sung thêm nhiều mẫu xe ở các phân khúc còn thiếu, từ đó gia tăng thị phần và củng cố vị thế dẫn đầu.
Với chiến lược linh hoạt và mạng lưới trạm sạc rộng khắp, VinFast không chỉ duy trì ưu thế cạnh tranh mà còn tận dụng tối đa thời cơ để phát triển mạnh mẽ trong tương lai, qua đó tạo ra sự khác biệt rõ rệt trong cuộc đua xe điện tại Việt Nam.