CSGT được dừng xe kiểm tra trong trường hợp nào?
Mới nhất, Thông tư 32/2023/TT-BCA đã thay đổi nhiều quy định mà người điều khiển phương tiện cần chú ý khi bị Cảnh sát giao thông dừng xe kiểm tra.
Theo đó, tại Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA về trường hợp dừng phương tiện giao thông để kiểm soát của cán bộ CSGT gồm:
1. Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
2. Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành;
3. Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
4. Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông của CSGT phải bảo đảm các yêu cầu sau:
– An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông;
– Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Có được kiểm tra chuyên đề của CSGT không?
Tại Mục 1 Chương III, Thông tư 32/2023/TT-BCA, quy định về xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát như sau:
Xây dựng, ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát
– Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công an ban hành kế hoạch hoặc trực tiếp ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc.
– Giám đốc Công an cấp tỉnh ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp tỉnh.
– Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông; Trưởng Công an cấp huyện ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công, phân cấp theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.
– Đội trưởng các Đội: Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc; Đội Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông đường bộ; Đội Tuần tra, dẫn đoàn; Đội Cảnh sát giao thông – trật tự, Đội Cảnh sát giao thông – trật tự – cơ động, Đội Cảnh sát quản lý hành chính – giao thông – trật tự – cơ động (sau đây gọi chung là Đội Cảnh sát giao thông – trật tự); Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát cho các Tổ Cảnh sát giao thông trực thuộc (theo mẫu quy định của Bộ Công an).
Triển khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát
– Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông: Trước khi tuần tra, kiểm soát, Tổ trưởng phải phổ biến, quán triệt cho các Tổ viên về nội dung kế hoạch tuần tra, kiểm soát và những nội dung khác có liên quan; kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; điểm danh quân số; kiểm tra trang phục; số hiệu Công an nhân dân; Giấy chứng minh Công an nhân dân (khi bố trí cán bộ hóa trang); điều lệnh nội vụ; phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; các biểu mẫu có liên quan và phương tiện kỹ thuật khác; nhắc lại vị trí công tác, nhiệm vụ của từng Tổ viên; phát lệnh tiến hành tuần tra, kiểm soát khi các điều kiện đã bảo đảm đầy đủ theo yêu cầu và an toàn.
– Tổ viên: Nắm vững nội dung kế hoạch, nhiệm vụ, vị trí, hình thức thông tin liên lạc; chủ động thực hiện công tác chuẩn bị theo sự phân công của Tổ trưởng.
– Phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện kỹ thuật khác trang bị cho Tổ Cảnh sát giao thông phải được quản lý, sử dụng theo quy định; được thống kê cụ thể trong Sổ theo dõi, quản lý (theo mẫu quy định của Bộ Công an).
Hiện nay, tại mục 1 Chương III Thông tư 65/2020/TT-BCA, ngoài việc quy định về thẩm quyền ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát; tổ chức thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát thì còn quy định về thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát, cụ thể như sau:
– Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện có trách nhiệm thông báo công khai các kế hoạch tuần tra, kiểm soát theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm:
+ Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ;
+ Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông;
+ Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
– Hình thức thông báo công khai
+ Niêm yết tại trụ sở tiếp công dân của đơn vị;
+ Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông;
+ Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;
+ Áp dụng các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
– Nội dung thông báo công khai (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này)
+ Đơn vị làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;
+ Tuyến đường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;
+ Loại phương tiện, hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý;
+ Thời gian thực hiện kế hoạch.
Với những quy định trên, Thông tư 32/2023/TT-BCA đã chính thức bãi bỏ quy định thông báo công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát tại Thông tư 65/2020/TT-BCA trước đây.
Điều này đồng nghĩa, hiện tại người điều khiển phương tiện sẽ không được yêu cầu kiểm tra chuyên đề của CSGT với bất kỳ hình thức nào. Mặc dù vậy, người dân có thể kiểm tra chuyên đề thông qua phương tiện thông tin đại chúng, trụ sở tiếp công dân,…