December 3, 2024

Doanh số xe sang giảm mạnh: Khó càng khó khi sắp tái giảm 50% trước bạ

Tính tới hết tháng 3/2024, toàn bộ thị trường xe sang có 1.840 chiếc được đăng ký lưu hành. Kết quả này giảm 13% so với con số 2.102 chiếc cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, số lượng xe lưu hành tức là xe được đăng ký ra biển số – khác biệt so với số liệu báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) vốn là lượng xuất kho của nhà sản xuất. 

Dẫn đầu thị trường vẫn là Mercedes nhưng giảm mạnh nhất cũng chính là thương hiệu đến từ Đức. Trong quý 1, Mercedes có 592 xe được bán ra, giảm 39% cùng kỳ. BMW sau thắng lợi vang dội ở quý 4/2023 cũng giảm nhẹ 4%. 

Doanh số xe sang giảm mạnh: Khó càng khó khi sắp tái giảm 50% trước bạ - Ảnh 1.

Mercedes giảm mạnh doanh số. Ảnh MBV.

Chuyên gia ô tô Quang Anh nhận định: “Không khó để giải thích điều này khi thị trường đã có dấu hiệu quá tải và bản thân biểu tượng cánh quạt quay nếu không khéo léo cũng sẽ có thể đi vào vết xe đổ của ngôi sao ba cánh trong thời gian tới khi khách hàng đang cảm thấy chiếc xe bị mất giá nhanh hơn và cấu hình sản phẩm tương tự một ma trận, rất khó để cân nhắc và lựa chọn”.

Cũng theo ông Quang Anh, trong nhóm xe Châu Âu còn lại, chỉ duy nhất Audi có mức tăng trưởng dương nhưng điều này cũng chỉ diễn ra trong ngắn hạn khi nhà nhập khẩu mới cần thời gian và cú hích để điều chỉnh lại toàn bộ bức tranh kinh doanh ở Việt Nam. 

Còn Volvo, mặc dù đã có nhích nhẹ về tỷ lệ thước đo giá trị nhưng so với năm ngoái, hãng xe Thụy Điển không ghi nhận sự thay đổi về mặt con số – tức là đi ngang. Sẽ cần có nhiều cú hích hơn trong chiến thuật kinh doanh để Volvo tận dụng lượng khách hàng đang mất đi từ các thương hiệu Đức. Tuy nhiên vẫn còn đó một người khổng lồ khác, thương hiệu được mệnh danh là chủ tịch của các các chủ tịch.

Thầm lặng sau BMW trong suốt 2023, đầu năm 2024, Lexus chính thức chiếm lấy vị trí thứ 2 với khoảng cách 9 điểm phần trăm. Lexus còn “vượt qua chính mình” khi tăng trưởng tới 34% – gần như lấy hết phần khách hàng “bị mất” của Mercedes nếu xét trên con số tỷ lệ. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 4/2024 ước đạt 12.500 chiếc, giá trị 244 triệu USD. Trước đó, vào tháng 3, số lượng xe nhập khẩu là 15.860 chiếc có giá trị kim ngạch 330 triệu. Như vậy, so với tháng liền kề, ô tô nhập khẩu trong tháng 4/2024 giảm 21,2% về lượng và 26,1% về giá trị.

Nếu như các thương hiệu khác mất rất nhiều công sức và chi phí căng sức trên nhiều “mặt trận” – sản phẩm, Marketing, Trade … thì Lexus lại đi ngược xu hướng. Ngoại trừ việc thay đổi thiết kế hiện đại và trẻ trung hơn thì Lexus không có nhiều biến động trong suốt năm qua khi không phải giảm giá, không phải xả tồn, thậm chí nhiều khách hàng phải đặt xe tới hơn 1 năm chờ đợi.

Sự “vượt số” của Lexus, ngoài câu chuyện thành công của thương hiệu, còn cho thấy những sự thay đổi quan trọng về insight của nhóm khách hàng cao cấp tại Việt Nam. Cùng với đó dải sản phẩm của Lexus dường như đang là ưu việt nhất khi có đầy đủ các mẫu Sedan, SUV và cả MPV giúp cho mọi nhu cầu của khách hàng đều dễ dàng được đáp ứng.

Mới đây, ngày 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 12 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.

Điều này có nghĩa Chính phủ có thể sẽ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ tư, theo thông lệ có thể áp dụng từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

“Rõ ràng với hơn 75% các mẫu xe là nhập khẩu, phân khúc xe sang sẽ lại gặp khó thêm một lần nữa và lại phải sớm “cắt máu” ồ ạt khi mà “cơ thể” còn chưa kịp hồi phục sau tháng 1 xả kho cứu vốn. Năm nay cũng không ngoại lệ. Cùng chờ xem hãng nào sẽ rút chân sản phẩm trong thời gian tới”, chuyên gia Quang Anh nhận định.

(x)
(x)