Việt Nam là một trong những thị trường ô tô phát triển nóng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Điều đó ngoài việc được thể hiện bằng sự gia nhập của nhiều mẫu xe mới, thương hiệu mới mà còn là doanh số phản ánh thực tế nhu cầu sở hữu xe hơi của người Việt.
Mặc dù do ảnh hưởng của việc thiếu linh kiện, chíp bán dẫn trên toàn cầu khi Trung Quốc đang tạm thời ngừng cung cấp hàng hóa bởi dịch Covid-19, nhưng lượng xe ô tô bán ra ở nước ta vẫn liên tục tăng trong thời gian qua.
Mỗi phút người Việt mua 1 chiếc ô tô
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 4 vừa qua, doanh số của các thành viên đạt 42.359 xe, Hyundai Thành Công (HTC) đã xuất xưởng 6.959 xe và VinFast ghi nhận doanh số 2.427 xe.
Cũng theo báo cáo của 3 đơn vị trên, trong tháng 4, tổng doanh số toàn thị trường đạt 51.745 xe, đạt mức tăng trưởng khoảng 8% so với tháng 3 và tăng gần 32% so với cùng kỳ 2021. Doanh số trên vẫn chưa phản ánh đúng thực tế bởi nhiều hãng xe đang kinh doanh ở Việt Nam không công bố doanh số bán hàng như Nissan, Mercedes-Benz…
Tính trung bình với doanh số gần 52.000 xe rời đại lý, cứ mỗi phút trôi qua có hơn 1 xe ô tô mới được bán đến tay người tiêu dùng Việt Nam. Đây là con số ấn tượng của thị trường ô tô Việt Nam dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bủa vây.
Ngoài tình trạng thiếu linh kiện sản xuất ô tô khiến lượng xe đến tay người dùng nhỏ giọt, khách hàng Việt còn phải đối mặt với tình trạng bán xe kèm phụ kiện. Đặc biệt, những mẫu xe như Hyundai Tucson, Santa Fe, Toyota Corolla Cross, Veloz Cross, Land Cruiser, Ford Ranger, Explorer… đều ghi nhận mức “lạc” cao kỷ lục từ vài trăm đến cả tỷ đồng.
Mặc dù vậy, sức mua của toàn thị trường vẫn là vô cùng ấn tượng trong tháng 4/2022 vừa qua. Điều này được dự báo sẽ còn được tăng mạnh trong tháng 5 này và từ này đến cuối năm.
Đâu là “bàn đạp” giúp thị trường ô tô Việt tạo “sóng”
Doanh số ấn tượng của thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian qua đến từ việc nhu cầu của người dùng đã bị dồn nén quá lâu. Trước Tết Nguyên đán, tình trạng bán xe kèm “lạc” diễn ra khó lượng, nhiều người dùng đã phải tạm dừng chờ ra giêng.
Tuy nhiên, càng chờ thì mức chênh thực tế của giá ô tô so với giá niêm càng trở nên cao hơn bởi tình trạng thiếu linh kiện. Trong khi đó, thời hạn hết ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước đang gần đến gần.
Theo Nghị định 103/2021/NĐ-CP, ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ được hưởng ưu đãi 50% lệ phí trước bạ. Đây được coi là “bàn đạp” mạnh mẽ nhất giúp thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng thần kỳ trong thời gian qua.
Không những vậy, thời hạn của Nghị định 103/2021/NĐ-CP đang đến thời hạn chót là ngày 31/5/2022 nên người dân càng nóng lòng muốn sở hữu xe hơn để kịp chạy ưu đãi phí trước bạ. Mặc dù so với giá chênh của nhiều dòng xe “hot”, mức giảm lệ phí trước bạ thực sự cũng chẳng thấm vào đâu.
Đơn cử như Hyundai Tucson, khách hàng đang phải mua chênh đến 150 triệu đồng, trong khi ưu đãi lệ phí trước bạ cao nhất ở Hà Nội chỉ giúp tiết kiệm hơn 50 triệu đồng. Như vậy, người dùng vẫn lỗ đến 100 triệu đồng.
Cộng dồn nhiều lý do từ việc thiếu xe, nhu cầu người dân tăng cao và ưu đãi 50% lệ phí trước bạ dành cho xe lắp ráp đang dần kết thúc khiến thị trường ô tô liên tục tăng trưởng. Có thể coi thị trường đang như một chiếc lò xo bị dồn nén và đây là thời điểm thích hợp để bung ra trước khi chính sách ưu đãi hết hiệu lực./.
Ô tô – Xe máy | Tổng hợp tin tức Ô tô Xe máy mới nhất