Trong vài năm qua, thị trường Việt Nam đón nhận sự có mặt của hàng loạt các hãng xe Trung Quốc và hầu hết là xe điện hoặc xe lai như BYD (xe điện), Chery (xe điện), Haval (xe lai), Wuling (xe điện), Lynk & Co (xe xăng), Haima (xe điện)…
Việt Nam là thị trường ô tô tiềm năng. Với dân số 100 triệu người, kinh tế ngày càng phát triển và thời kỳ ô tô hóa đang đến. Theo dự báo, quy mô thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt 1,5 triệu xe sau 2035.
Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra lộ trình đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch.
Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Như vậy xe điện có tiềm năng lớn.
Trong bối cảnh đó, việc hãng ô tô Trung Quốc GAC sắp ra mắt bộ đôi sản phẩm M8 và GS8 máy xăng có vẻ ngược với xu thế. Thực tế, ngay cả các hãng xe điện Trung Quốc vào thị trường Việt Nam với đa dạng mẫu mã và giá thành cũng vẫn đang chật vật bán hàng vì câu chuyện trạm sạc.
Với ô tô sử dụng động cơ đốt trong, người tiêu dùng Việt vẫn tin cậy các thương hiệu của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Trong khi đó, động cơ đốt trong do các hãng xe Trung Quốc phát triển không được đánh giá cao.
Với ô tô Trung Quốc GAC, so với các thương hiệu Trung Quốc khác như BYD, Wuling, Geely, Changan,… hãng này “yếu thế” hơn về nhận diện thương hiệu.
Được biết, đối tác phân phối của GAC tại Việt Nam là Tan Chong, tập đoàn lớn có trụ sở tại Malaysia, từng phân phối xe thuộc thương hiệu Nissan và MG tại nước ta. Đây sẽ là lợi thế khi Tan Chong từng có mặt lâu năm tại Việt Nam và có sẵn nhà máy tại Đà Nẵng. GAC có tham vọng sẽ lắp ráp xe tại Việt Nam từ tháng 3/2025, tức là chỉ khoảng nửa năm nữa.
Theo thông báo, trong thời gian đầu, GAC sẽ phân phối 2 mẫu xe tại Việt Nam là M8 và GS8. Trong đó, M8 thuộc phân khúc MPV đa dụng còn GS8 là SUV cỡ trung-lớn. M8 dùng chung khung gầm với Alphard, còn GS8 cùng khung gầm với Land Cruiser Prado của Toyota.
Dù có những thông tin điểm sáng nhưng cuộc đua ở thị trường Việt vẫn là thách thức lớn với các hãng xe Trung Quốc và đặc biệt là thương hiệu mới toanh như GAC.
Chuyên gia xe Nguyễn Đại Dương đặt dấu hỏi: Liệu GAC có thể thuyết phục khách hàng Việt vượt qua sự dè dặt, để mua ô tô thương hiệu Trung Quốc không? GAC có mang lại giá trị vượt trội cho người tiêu dùng, so với các đối thủ cạnh tranh không? Và bán xe xăng ở thị trường Việt Nam thời điểm này có phải là quá mạo hiểm?
Trong khi ông Ngô Kỳ Lam, Quản lý trang otosaigon.com cho rằng, định kiến về xe Trung Quốc của người Việt Nam vẫn rất lớn, khi thường cho rằng hàng hóa Trung Quốc là rẻ, chất lượng kém. Như hãng xe MG, hãng này đã phải giảm giá rất sâu để đẩy hàng tồn kho.