November 21, 2024

Từ bức tranh lợi nhuận, doanh nghiệp ngành ô tô “kẻ khóc, người cười”

Bức tranh kinh doanh đối lập của các doanh nghiệp ngành ô tô

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 163.804 xe, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết tháng 7/2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 81.637 xe, giảm 12% trong khi xe nhập khẩu là 82.167 xe, tăng 19% so với cùng kỳ.

Nếu tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 2% so với 2023.

Trong đó, xe ô tô du lịch giảm 3%; Xe thương mại tăng 2% và xe chuyên dụng giảm 4% so với năm 2023.

Tính đến hết tháng 06/2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 15%, trong khi xe nhập khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ bức tranh lợi nhuận, doanh nghiệp ngành ô tô "kẻ khóc, người cười"- Ảnh 1.

Nhìn vào bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối ô tô, rất nhiều đơn vị ghi nhận những con số ảm đạm.

Trong quý II/2024, CTCP Ô tô TMT (HoSE: TMT) ghi nhận doanh thu đạt 805,56 tỷ đồng, giảm 2,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 100,17 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 0,58 tỷ đồng, tức tăng lỗ 99,59 tỷ đồng.

Luỹ kế trong nửa đầu năm 2024, Ô tô TMT ghi nhận doanh thu đạt 1.321,66 tỷ đồng, giảm 13,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận lỗ 99,9 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Ô tô TMT đặt kế hoạch doanh thu 2.645,96 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 38,57 tỷ đồng.

Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với việc ghi nhận lỗ 99,9 tỷ đồng, Ô tô TMT còn cách rất xa kế hoạch có lãi trong năm tài chính 2024.

Tập đoàn Tasco (HNX: HUT), báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 6.430 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh, khiến biên lợi nhuận gộp trong kỳ giảm từ 38,7% còn 9%.

Kết quả, Tasco ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý II/2024 đạt 60,6 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lại giảm tới 50%, chỉ còn 4,7 tỷ đồng – một con số quá khiêm tốn khi tổng tài sản của Tasco lên đến hơn 27.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo tình hình kinh doanh quý II/2024 của “trùm” buôn xe Ford – CTCP City Auto (HoSE: CTF), dù doanh thu cả ngàn tỷ đồng nhưng lợi nhuận khiêm tốn.

Báo cáo tài chính quý II/2024 của City Auto ghi nhận gần 1.819 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, doanh thu bán xe cũng tăng đạt mức 1.645 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm đến 1.723 tỷ đồng, các loại chi phí của công ty đều tăng khiến City Auto lỗ gần 12 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngành ô tô “khóc ròng”, vẫn có những cái tên bất ngờ báo lãi lớn.

“Trùm” buôn xe Mercedes-Benz, CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh Haxaco (HoSE: HAX) trong quý II/2024 ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt gần 1.123 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý II/2024, Haxaco báo lãi sau thuế 28 tỷ đồng, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý II/2024, Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn Savico (HOSE: SVC) doanh thu tăng 18%, lên 5.200 tỷ đồng. Lãi ròng 21,5 tỷ đồng, gấp 3,8 lần. Giải trình về điều này, SVC nêu “do tình hình kinh doanh của thị trường xe ô tô quý II/2024 tốt hơn cùng kỳ”.

Tuy nhiên hồi tháng 6, Savico lại bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xử phạt và buộc khắc phục hậu quả hơn 4,7 tỷ đồng, do có hành vi vi phạm thủ tục về thuế và khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HOSE: HTL) cũng báo lãi lớn khi doanh thu đạt 143 tỷ đồng, tăng 17%; lãi gần 11 tỷ đồng, tăng 155%. Biên lãi gộp quý hơn 13%, mức cao so với trung bình các năm gần đây.

Trong khi đó, quý II/2024, lãi từ liên doanh, liên kết tiếp tục mang về cho Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UPCoM: VEA) 1.600 tỷ đồng, tăng 3,6%, khá ổn định trong bối cảnh khó khăn chung của ngành.

Giảm 50% lệ phí trước bạ là “liều thuốc” kịp thời với ngành ô tô nói riêng?

Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đó, khách hàng mua xe ô tô sản xuất, lắp trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ kể từ ngày 1/9 đến hết ngày 30/11/2024.

Dù đã rút ngắn thời gian áp dụng xuống chỉ còn 3 tháng thay vì 6 tháng như trước, nhưng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vẫn được người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao, bởi sẽ kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ những tháng cuối năm.

Từ bức tranh lợi nhuận, doanh nghiệp ngành ô tô "kẻ khóc, người cười"- Ảnh 2.

Giảm 50% lệ phí trước bạ là “liều thuốc” kịp thời với ngành ô tô nói riêng?

Chuyên gia ô tô Khuất Thế Đạt nhận định: “Thực tế, ba lần trước, 6 tháng cuối năm 2020, 6 tháng đầu năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023, chính sách giảm 50% phí trước bạ giúp thị trường ô tô khởi sắc.

Lần áp dụng đầu tiên, số lượng xe đăng ký tăng gấp đôi so với cùng kỳ, do người tiêu dùng được giảm 5 – 6% tổng chi phí lăn bánh. Lần áp dụng thứ hai, từ tháng 12/2021 – 5/2022 lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu tăng 2,67 lần so với tháng trước đó. Lần thứ ba, phí trước bạ giảm 50% áp dụng từ 1/7 – 31/12/2023 giúp thị trường ô tô gượng dậy vào cuối năm, khi sức mua giảm mạnh ngay đầu năm 2023. Thậm chí năm 2022 sản lượng tiêu thụ toàn ngành vượt mốc 500 nghìn xe cả năm, lập kỷ lục tiêu thụ ô tô ở Việt Nam.

Rõ ràng, Chính sách giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, đại lý ô tô, mà còn kích cầu mang đến lợi ích cho khách hàng, thông qua sức mua tăng, doanh số bán xe tăng”.

Ngoài tác động trực tiếp đến thị trường ô tô, Nghị định 109/2024/NĐ-CP còn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động lan tỏa đến các ngành liên quan khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và ngành sản xuất phụ trợ.

Việc giảm lệ phí trước bạ sẽ thúc đẩy người tiêu dùng vay vốn để mua xe, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng và doanh thu cho các ngân hàng.

(x)
(x)